Phú Yên là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có lịch sử hình thành và phát triển hơn 400 năm, có một nền văn hóa truyền thống đặc trưng bởi con người nơi đây qua bao nhiêu đời đã để lại. Trong đó, tiếng địa phương Phú Yên là nét độc đáo, phản ánh văn hóa của cư dân Phú Yên, dù có đi đâu thì mọi người trên mọi miền đất nước đều dễ dàng nhận ra.
Cư dân Phú Yên mưu sinh chủ yếu bằng các nghề như nghề nông, nghề biển. Qua thời gian, trong tiếng nói của người Phú Yên đã hình thành những từ ngữ chỉ văn hóa mưu sinh đặc sắc, phong phú, được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Từ ngữ chỉ văn hóa mưu sinh của cư dân biển Phú Yên là một biểu hiện điển hình cho đời sống văn hóa của cư dân Phú Yên. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về văn hóa mưu sinh của cư dân một tỉnh gắn bó với biển như Phú Yên, chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu về từ ngữ địa phương liên quan.
![]() |
Cuộc sống bên bờ biển Sông Cầu |
Vùng đất Phú Yên xưa kia thuộc đất của người Chăm, qua quá trình biến đổi lịch sử đã được một số lưu dân người Việt đến sinh cơ lập nghiệp, còn người Chăm chỉ còn sống tập trung ở một số địa phương trong tỉnh như xã An Nghiệp ( huyện Tuy An), xã Hòa Định (huyện Phú Hòa) hiện nay. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, năm 1578 nhà Lê cử Lương Văn Chánh vào ổn định vùng đất Trấn Biên phía nam của nước Đại Việt. Do có công lớn, ông được đổi làm quan trấn An Biên ở huyện Tuy Viễn ( Bình Định). Tại đây ông đã chiêu tập lưu dân khai phá đất hoang, đưa dân đến đèo Cù Mông và Bà Đài, tức Xuân Đài – Sông Cầu ngày nay. Năm 1597, ông nhận sắc lệnh của vua Lê Thế Tông (1573 -1599) vào khai khẩn vùng đất từ Cù Mông đến Đèo Cả. Vùng đất từ Cù Mông đến Bà Đài, ông cho dân tập trung khai phá ở chân đèo đến Vũng Lắm. Vùng ven đầm Cù Mông, có điều kiện thuận lợi nên đời sống dân cư sớm ổn định. Tất cả được phản ánh trong câu ca dao:
Cá ngon là cá Cù Mông
Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương.
Vũng Lắm về sau có làng Minh Hương trở thành thương cảng thịnh vượng. Tòa Công sứ Pháp đã đặt đầu tiên tại đây vào năm 1887.
Với kinh nghiệm canh nông và bản chất lao động cần cù của người dân xứ Thanh Nghệ, vùng đất Trấn Biên có sự thay đổi lớn. Đất hoang hóa hẹp dần, các tụ điểm dân cư ngày càng đông đúc với cánh đồng lúa nước, nghề thủ công cũng phát triển dần thành nghề truyền thống như: gốm, dệt, tơ lụa, làm nước mắm, làm muối... Cuộc sống ngày một đổi thay, hàng hóa lưu thông trên địa bàn rộng rãi. Chợ được thành lập ở những nơi đông dân và tiện đường đi lại của cư dân trong vùng. Hệ thống xã, làng, thôn ấp cũng được hình thành theo quy định của Chúa Nguyễn. Những đình, miếu, lẫm ( nơi làm việc của lý trưởng và hương chức ở làng), chùa cũng được lập nên theo như cầu tâm linh của người dân đi khẩn hoang trên vùng đất mới. Họ sống quần tụ bên nhau trong tình làng nghĩa xóm bao bọc tự quản cùng nhau.
![]() |
Nghề đánh bắt cá phát triển ở Phú Yên |
Dọc bờ biển Phú Yên, đâu đâu cũng có dân cư sinh sống và làm nghề đánh bắt trên biển. Từ phía bắc bờ biển Thị xã Sông Cầu cho đến bờ biển phía nam huyện Đông Hòa của tỉnh Phú Yên, có nhiều làng chài, người dân gắn bó với biển hơn 400 năm nay. Nhờ biển, cuộc sống của họ được ấm no, nhưng đôi khi cũng gặp phải thiên tai, bão tố. Con người miền biển Phú Yên qua bao đời nắng mưa, gian khó đã rèn cho họ sự mạnh mẽ, tinh thần vượt khó, nghị lực phi thường, tôn thờ biển. Ở mỗi làng chài đều có các lăng Cá Ông, hằng năm đều có tổ chức lễ hội cầu ngư để cầu mong trời yên biển lặng, mùa màng bội thu, cuộc sống hạnh phúc, no đủ.
Các làng chài ven biển Phú Yên sống theo mô hình cộng đồng, mọi người cùng nhau sản xuất, lao động, trao đổi với nhau những vật phẩm cần thiết cho đời sống của họ. Trước đây, những làng chài sống khép kín, tự cấp tự túc và ít liên hệ với những vùng khác. Xuất phát điểm có thể là do việc vùng đất Phú Yên thuở đầu khai hoang, mở đất, cư dân sinh sống còn khá thưa thớt, rừng rậm nhiều, giao thông đường sá không có nên tạo ra sự khép kín trong các tổ chức cộng đồng địa phương với nhau. Từ đó các cộng đồng trao đổi với nhau bằng vốn ngôn ngữ riêng biệt mà họ đã tạo ra, thay thế từ toàn dân bằng từ ngữ địa phương đặc trưng, nhưng ý nghĩa diễn đạt không hề thay đổi. Theo thời gian từ đời này truyền miệng sang đời sau vốn từ ngữ đó mà theo họ hiểu là tiếp thu truyền thống văn hóa của ông bà họ để lại. Khi được đi học, được dạy chữ phổ thông toàn dân nhưng do không được chỉnh sửa mạnh mẽ, thầy cô không chú trọng vấn đề phát âm hoặc không muốn thay đổi khác với cộng đồng mà từ địa phương vẫn tồn tại và đi đến mọi miền đất nước, tạo ra nét đặc trưng địa phương, mọi người dễ dàng nhận biết địa phương đó qua tiếng nói địa phương mà họ sử dụng. Các vùng ven biển cũng vậy, cư dân nơi đây vẫn còn sử dụng từ ngữ chỉ văn hóa mưu sinh của họ như tên gọi chỉ các ngư cụ đánh bắt hải sản, tên gọi các công cụ nuôi trồng thủy sản, làm muối, những từ ngữ chỉ sinh hoạt đời sống hàng ngày gắn bó với môi trường biển, ... Đây là đặc điểm văn hóa độc đáo của người Phú Yên nói chung và cư dân ven biển nói riêng, đóng góp to lớn vào kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt thêm phong phú, đa dạng.
Để hiểu rõ về văn hóa mưu sinh của cư dân ven biển Phú Yên, chúng ta có hệ thống bảng từ ngữ địa phương Phú Yên chỉ văn hóa mưu sinh môi trường biển sau:
2.1 BẢNG TỪ NGỮ VỀ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI BIỂN PHÚ YÊN
STT
|
TỪ NGỮ PHÚ YÊN
|
CÁCH VẬN DỤNG, Ý NGHĨA
|
1
|
Cù Mông
|
Tên dãy núi, tên đèo, tên đầm
nước lợ lớn, phạm vi 6 xã ở Sông Cầu. Cù Mông có nghĩa là con vật đầu lân
mình rồng.
|
2
|
Vũng
|
Nơi bờ vịnh do ảnh hưởng của
dãy núi đâm ra biển nên chỗ thì nhô ra, chỗ lại trũng lõm vào, tạo thành
vũng. Ví dụ: Vũng La, Vũng Lắm, Vũng Chào, Vũng Rô, ...
|
3
|
Bãi
|
Là nơi có nhiều cát thổi ven biển
tạo thành, có không gian rộng, cảnh đẹp. Ví dụ: Bãi Nồm, Bãi Xép, Bãi Rạng,
...
|
4
|
Sông Cầu
|
Tên gọi địa danh, thị xã của tỉnh
Phú Yên. Bắt nguồn từ điều kiện địa hình có nhiều sông ngắn, dốc, nhỏ mà có
tên gọi như vậy.
|
5
|
Gành (ghềnh)
|
Chỗ gần sông hoặc cửa sông có
nhiều đá lởm chởm, chắn ngang, làm nước dồn lại.Ví dụ: Gành Cây Sung, Gành
Đèn, Gành Đá Đĩa,...
|
6
|
Động cát
|
Khu vực nhiều cát do gió biển
thổi cát vào, tích tụ trên diện tích rộng, ở vùng ven các bãi biển.
|
7
|
Đìa
|
Nơi chứa nước mặn như ruộng,
dùng để nuôi thủy sản. Ví dụ: đìa tôm, đìa cá mú,...
|
8
|
Bàu
|
Ao nước khá rộng, bốn bề không
có đường nước rút. Ví dụ: Bàu Súng, ...
|
9
|
Đầm
|
Vùng nhiều nước, rộng lớn nhưng
không có dòng chảy. Ví dụ: Đầm Cù Mông, Đầm Ô Loan.
|
10
|
Mũi
|
Nơi ăn ra biển
xa nhất so với bờ biển. Ví dụ: Mũi Điện
|
2.2 BẢNG TỪ NGỮ VỀ VĂN HÓA MƯU SINH CỦA CƯ DÂN
VEN BIỂN PHÚ YÊN
STT
|
TỪ NGỮ PHÚ YÊN
|
Ý NGHĨA, CÁCH VẬN DỤNG
|
1
|
Gĩa cào
|
Một phương thức
đánh bắt bằng lưới có mắt nhỏ, bắt được các loại hải sản, cá nhỏ.
|
2
|
Đăng
|
Là vật dụng
làm bằng lưới, giăng để đánh bắt cá.
|
3
|
Dây cước
|
Sợi dây nhỏ,
làm bằng nhựa, dùng để câu cá hoặc buộc các vật dụng đơn giản.
|
4
|
Dây nhợ
|
Sợi dây nhỏ
làm bằng sợi vải nhỏ đan xen vào nhau tạo thành.
|
5
|
Mò sò
|
Hành động ngâm
mình trong nước, dùng tay hoặc chân tìm kiếm dưới lớp bùn đất để tìm ốc,
sò,...
|
6
|
Dớt
|
Dùng tay hoặc
vật dụng là vợt, cây gỗ để vớt vật gì đó dưới nước lên bờ. Ví dụ: dớt rau
câu,....
|
7
|
Đóng đáy
|
Dùng tấm lưới
ngăn dòng để bắt cá. Đây là một kỹ thuật nổi tiếng của cư dân biển Sông Cầu,
trở thành nghề của họ đi đến nhiều nơi ở Nam Bộ.
|
8
|
Bát
|
Lái thuyền
sang bên phải hay bên trái.
|
9
|
Dây lạt
|
Những sợi dây
được chẻ từ vỏ nan của cây dừa hoặc thân cây tre, dùng để buộc,...
|
10
|
Xâu lưới
|
Thu gom lưới lại
sau khi thả xuống nước
|
11
|
Đất da tây
|
Đất pha cát
|
12
|
Bao bố
|
Bao tải, dùng
để đựng.
|
13
|
Bồ góc
|
Vật dụng có sức
chứa lớn nằm gọn ở góc nhà
|
14
|
Bồ cuốn
|
Vật dụng có
kích thước tùy theo nhu cầu có thể co giãn.
|
15
|
Đèn chai
|
Đuốc nhỏ cháy
bằng nhựa cây chò chai
|
16
|
Cái đó
|
Vật dụng hình dạng
như chiếc bình, có eo, được làm bằng tre, có 2 miệng để tôm cá vào được mà
không ra được.
|
17
|
Cái vó
|
Tấm lưới buộc ở
bốn góc, có cần, dùng để ngâm dưới nước chờ tôm cá vào rồi kéo lên.
|
18
|
Lứ gõ
|
Thả lưới xuống
dưới nước, bơi thuyền nhỏ hoặc thúng chai đập cây vào mặt nước để cá chạy vào
lưới.
|
19
|
Quýnh lứ
|
Đánh bắt cá bằng
lưới.
|
20
|
Cá cẫn
|
Cá tràu nhỏ
|
21
|
Cá lị
|
Cá voi chết dạt vào bờ
|
22
|
Cá ồ
|
Một loại cá thường có ở vùng biển
Phú Yên
|
23
|
Cạn sợt
|
Chỉ vùng nước rất nông
|
24
|
Cái cão
|
Một loại vật dụng đan bằng tre,
lớn hơn cái tô.
Tay bưng âu lửa, tay cầm cảo than.
|
25
|
Thúng chai
|
Là
vật đi lại của ngư dân gần bờ, hình chiếc thúng to, được bôi bằng dầu và phân
bò để tránh thấm nước.
|
26
|
Trét dầu
|
Hành động dùng nhựa cây, phân
bò hoặc dầu hắc sơn lên vỏ thúng chai để chống thấm nước, giữ độ bền.
|
27
|
Cá mành sơn
|
Loại cá biển,
màu đỏ, thường bị đánh bắt bằng lưới mành. Đôi ta như cá mành sơn, Ngồi trên bọt nước chờ con mưa rào.
|
28
|
Cá xà hai
|
Một loài cá sống
ở vùng nước lợ
|
29
|
Dang nắng
|
Phơi ra ngoài
nắng.
Cái đầu dang nắng khét nghẹt.
|
30
|
Đòn xóc
|
Cây tròn làm
đòn gánh có vạc nhọn 2 đầu để xóc và gánh.
|
31
|
Ghe
|
Thuyền nhỏ
|
32
|
Ghe bự
|
Có sức chứa từ 5 đến người, đánh bắt gần bờ là chính
|
33
|
Ghe bầu
|
Thuyền lớn đi biển, đầu lái to
ra.
|
34
|
Khô rang khô rốc
|
Rất khô. Cá phơi khô rang khô rốc.
|
35
|
Kỳ
|
Hàng vây cứng trên lưng cá.
|
36
|
Lạt xèo
|
Nhạt thếch. Cá kho lạt xèo không ngon.
|
37
|
Lị
|
Cá voi chết dạt vào bờ
|
38
|
Lỏng phịch
|
Rất lỏng lẽo, không chặt.
|
39
|
Mẵn
|
Hơi mặn. Ví dụ: Canh mẵn, kho
cá mẵn.
|
40
|
Mỏng léc
|
Rất mỏng. Thịt cá gì mà mỏng léc.
|
41
|
Nậu nại
|
Từ chỉ người làm muối
|
42
|
Nậu rỗi
|
Từ chỉ người làm nghề bán cá
|
43
|
Quảy
|
Gánh
|
44
|
Quăng lứ
|
Ném lưới
|
45
|
Lứ mùn
|
Lưới làm bằng sợi nilon nhỏ,
đan chéo nhau, ở phía trên có phao to, phía dưới có chì, chiều đứng nước sâu
khoảng 7-8 mét, vây lưới xung quanh một khu vực để tập trung cá vào. Lưới mùn
sử dụng đánh bắt cá cận duyên là chủ yếu.
|
46
|
Lứ cước
|
Lưới đan mắc chéo 4 phân, trên
có phao, dưới có chì, chiều rộng 7-8 mét, chức năng chủ yếu đánh bắt cá kích
cơ vừa và nhỏ, như cá trích, cá hố nhỏ, ...
|
47
|
Xuồng nan
|
Thuyền nhỏ làm bằng nan tre,
dài 6m, dùng để bắt ruốc
|
48
|
Bà đàm
|
Bộ đàm liên lạc trên biển
|
49
|
Cái kết
|
Vật dụng bằng nhựa, chiều đứng
20 phân, chiều rộng 40 phân, chiều dài 80 phân, dùng để đựng đá lạnh, thủy hải
sản đánh bắt được.
|
50
|
Máy săn
|
Là thuyền thúng chạy bằng máy,
không dùng gậy chèo.
|
![]() |
Cảnh đan lưới ở làng chài Xuân Hải, Sông Cầu, Phú Yên |
Ở vùng ven biển Phú Yên hiện nay, người dân sinh sống và hoạt động chủ yếu với các nghề: đánh bắt cá cận duyên, đánh bắt cá xa bờ, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Trong đó, người dân chủ yếu chọn phương thức đánh bắt cận duyên ( gần bờ) bởi họ không có thuyền lớn, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn và tránh rủi ro khi đánh bắt xa bờ. Theo chú Sáu, một ngư dân sống bám biển hàng chục năm nay ở Xã Xuân Hải, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết: Ở Phú Yên nói chung, ở Xuân Hải nói riêng, các ngư dân đánh bắt cá chủ yếu ở gần bờ vì điều kiện kinh tế gia đình, muốn ngày nào cũng có thu nhập từ hoạt động đánh bắt và buôn bán để trang trải cuộc sống gia đình. Hầu hết các làng chài ven biển, người lao động chính hoạt động trên biển là những người đàn ông trong gia đình, phụ nữ và con cái chủ yếu ở nhà đan lưới, hoặc chờ thu hoạch khi thuyền về. Trong một năm có nhiều mùa đánh bắt khác nhau, dùng những loại ngư cụ khác nhau. Ví dụ như lưới mùn, loại lưới dùng đánh bắt các loài cá sống gần bờ như cá trích, cá ngần, cá sòng, cá hố; mùa xuân dùng lưới nóc làm bằng cước, đan mắc nhỏ để câu mực; dùng lưới mùn và bó sam ( cây sam trên núi bó lại thành từng bó, bỏ đèn vào để xuống nước, con tôm hùm con thấy ánh sáng phát ra từ bó sam chạy đến chui vào bó, bị kẹt lại, người ngư dân vớt lên để bắt) vào mùa đánh bắt tôm hùm con,... Ngoài ra, có rất nhiều loại lưới với các chức năng đánh bắt khác nhau như:
- Lưới một: độ dài mắc lưới là 3 phân, dùng để đánh bắt cá trích.
- Lưới hai: độ dài mắc lưới là 4 đến 4,5 phân, dùng để bắt cá ngần, cá sòng, cá hố.
- Lưới ba: độ dài mắc lưới là 5 đến 6 phân, dùng bắt cá trậm, cá hố lớn.
![]() |
Thúng chai là phương tiện đánh bắt gần bờ |
![]() |
Trẻ em vùng biển dù ở lứa tuổi nào cũng tham gia sản xuất. |
![]() |
Cuộc sống giản dị ... |
![]() |
Phụ nữ lo việc buôn bán. |
Hiện nay, đời sống của cư dân miền ven biển đã đổi mới, và khác với trước. Nghề đánh bắt cá được đầu tư, trang thiết bị được mua sắm, hiện đại hơn nên hiệu quả từ khai thác trên biển cao hơn trước. Các phương thức đánh bắt cá truyền thống cũng dần nhường chỗ cho những phương thức mới. Vì vậy mà trong từ ngữ chỉ văn hóa mưu sinh của cư dân miền biển Phú Yên, ngoài những từ địa phương cũ, thì cũng xuất hiện những từ mới như:
- Kết: vật dụng có hình vuông dạng hộp, chiều đứng 20 phân, chiều ngang 40 phân, chiều dài 80 phân dùng để đựng đá lạnh hoặc cá tôm thu hoạch được trên thuyền. Nó thay thế cho các loại rổ bằng tre đan trước kia.
- Máy săn/ máy nổ: là chiếc thúng chai được gắn thêm động cơ máy để chạy trên vùng gần biển, vận chuyển tôm cá từ thuyền vào bờ. Nó thay thế cho dạng thúng có mái chèo trước đây.
- Bà đàm (gọi trên biển): là bộ đàm liên lạc trên biển. Phát âm theo tiếng miền biển.
Đối với nghề đánh cá viễn dương, ngư dân sử dụng các loại lưới cảng làm bằng chất liệu nilon để bắt cá thu, lưới nóc bằng sợi kim loại nhân tạo để bắt cá ngừ đại dương, ...
***
Trong quá khứ, trên mảnh đất Việt Nam ngày này có sự tồn tại một nền văn minh Chămpa: Vương quốc Chămpa có lãnh thổ trải dài từ mũi Hoành Sơn từ phía bắc, xuống phía nam giáp sông Đồng Nai, Phía Tây giáp Nam Lào, Phía Đông giáp biển Đông và thuộc miền trung ngày nay. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận sử ảnh hưởng của nền văn hoá Chămpa, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, đối với tổng thể 54 dân tộc anh em Việt Nam. Đặc biệt là người Việt ở tại chính Phú Yên lại càng ảnh hưởng rõ nét nhất, nó thể hiện trên các phương diện văn hoá mà ta dễ nhàng nhận thấy nhất là về ẩm thực, tín ngưỡng, phương tiện đi lại, văn học nghệ thuật, và cả ngôn ngữ bản địa của cư dân biển Phú Yên.
![]() |
Thuyền về bến đầy ắp cá tôm. |
Người Việt vào miền Trung từ chính sách mở rộng bờ cõi của vua Lê Thánh Tông, họ đến sinh sống và học tập được nghề đi biển của người Chăm và góp phần bổ sung văn hoá biển vào văn hoá của người Việt. Vùng đất này là dải đất hẹp, chủ yếu sống dựa vào nghề đi biển, người Việt học cách đóng tàu, đi biển, và cách đánh bắt nuôi trồng thuỷ sản …rồi dần những từ ngữ chỉ về dụng cụ đi biển, đánh bắt và tên các loài cá đi vào ngôn ngữ của người dân Phú Yên. Ví dụ Ghe bầu dùng để chỉ chiếc thuyền lớn đi biển, có cái đầu to, Quýnh lứ nghĩa là đi đánh cá bằng lưới, Cá xà hai là loài cá nhỏ sống ở vùng nước lợ…. hay trong tín ngưỡng bản địa của người dân ven biển Phú Yên có lễ hội cầu ngư nhằm tỏ lòng kính ngưỡng đối với ông Nam hải vị thần biển cheo chở cho dân địa phương đi biển…, ngoài ra, tên địa danh nơi cư trú cũng ảnh hưởng Phú Yên,… tên gọi nơi chứa nước gồm có cồn và bau như cồn Phú Lễ, cồn Ngọc Lãng,...
![]() |
Làng chài Xuân Hải ở Sông Cầu. |
Văn hoá mưu sinh của cư dân biển Phú Yên chịu ảnh hưởng rõ nét của văn hoá Chămpa, hình thành tính cách hướng biển, sống bám vào nghề biển bao đời nay, có những tập tục trong ăn uống và sinh hoạt như ăn cá không được lật úp lại mà phải rẽ hết thịt cá rồi gỡ sương ra, nếu lật cá lại cũng giống như người đi biển thuyền bị lật, bên cạnh đó người dân Phú Yên có cách đóng thuyền thành nhiều khoang khác nhau, và đã được các nước phương Tây đánh giá cao và học tập. Người dân nơi đây thích nghi với cuộc sống lênh đênh trên biển, và ngay cả vào mùa mưa bão, lũ lụt, khó khăn cuộc sống đã hình thành tính cách chịu thương chịu khó, có chí hướng làm ăn, và cả trong học tập, hầu hết các giải thưởng, tấm gương vượt khó được tôn vinh hàng năm đều có con em của cư dân ven biển miền Trung nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng.
Trải qua hơn 400 năm lịch sử, cư dân miền biển Phú Yên đã và đang mưu sinh bằng nghề biển và những hoạt động mà bao đời nay họ vẫn làm. Cuộc sống thời nay tuy đã đổi thay, hiện đại hơn trước, có sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế, làm cho đời sống mưu sinh của cư dân biển trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn, cuộc sống đầy đủ nhưng các giá trị văn hóa truyền thống của họ vẫn ít bị biến đổi. Trong đó tiếng địa phương vẫn hiện hành trong đời sống hàng ngày và ngày càng trở nên phổ biển trên các phương tiện thông tin truyền thông ở Phú Yên hay các chương trình truyền hình, hài kịch trên cả nước. Tuy nhiên khi họ đi xa, đến những miền đất khác làm việc hay học tập, họ cố gắng tạm quên đi, thay đổi cho phù hợp với tiếng nói, từ ngữ toàn dân; nhưng khi họ gặp đồng hương thì họ dùng lại tiếng nói, từ ngữ địa phương Phú Yên để nhận ra nhau, tạo sợi dây kết nối tình cảm vô hình, có giá trị.
Tóm lại, từ ngữ chỉ văn hóa mưu sinh của cư dân ven biển Phú Yên phản ánh được văn hóa, môi trường sống của người dân Phú Yên qua bao đời nay. Vốn từ ngữ địa phương này sẽ đóng góp phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt đa dạng, giàu bản sắc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bài tiểu luận sử dụng kiến thức cá nhân kết hợp với phương pháp điền dã, nhờ sự giúp đỡ của các bác, các cô chú, anh chị em sinh sống trên khắp các vùng ven biển của tỉnh Phú Yên để hoàn thành bài tiểu luận này. Ngoài ra, bài tiểu luận sử dụng các tài liệu liên quan sau:
1. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Văn hóa Sài Gòn tái bản, 1973.
2. Nguyễn Đình Chúc, Tìm hiểu địa danh Phú Yên qua tục ngữ ca dao, NXB Thanh Niên, 2007
3. Nhiều tác giả, Ca dao dân ca trên vùng đất Phú Yên, Hội Văn Nghệ Dân Gian Phú Yên xuất bản, 1996
4. Sách báo địa phương Phú Yên, tư liệu (bản thảo) của Trần Sĩ Huệ, Nguyễn Minh Hào.
NGUYỄN HUỆ
Nhận xét&Bình luận