Mỗi vùng đất đều mang trong mình một nét văn hóa riêng qua quá trình sinh sống của con người trên mảnh đất mà tổ tiên đã để lại. Nơi lưu giữ hồn quê, chốn nhắc nhở chúng ta quay về nguồn cội, cho ta sự bình yên và những ký ức thời gian.
Gò Duối là địa danh thuộc thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, phía bắc thị xã Sông
Cầu, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa, khi dựng làng, vùng này là một mảng đất thổ rộng,
có vô số cây cối mọc chi chít. Người dân chia thành từng ô rồi san bằng, đám
cao làm rẫy thổ, đám thấp làm ruộng lúa, những cây duối đứng thành hàng làm
ranh giới cho từng đám, từng hộ đã khai phá. Về sau duối lớn, cứ vài ba năm người
ta chặt tàng làm củi đun bếp, cây duối vẫn còn tồn tại trên vùng này nên nơi ấy
được gọi là Gò Duối.
Hiện nay số cây duối đã chết dần qua thời gian, còn lại ba cây duối
cổ thụ, còi cọc đứng bên lề một khu thổ mộ cách Quốc lộ 1A khoảng 500m là đáng
kể.
![]() |
Duối là loài cây gắn liền với đất và người nơi đây |
Thời Chúa Nguyễn, các lưu dân Đàng Ngoài vào khẩn hoang định cư, vùng Xuân
Lộc được coi là vùng đất khởi đầu của Phú Yên. Vào thế kỷ XVI – XVII, các chúa
Nguyễn đều đặt cơ sở và căn cứ để chống giặc ngoại xâm tại nơi đây. Tại núi Lò
Rèn, nơi rèn vũ khí, tích trữ súng đạn, ngày nay còn di tích như súng thần công
ở núi Trũng Bình, Gò Ốc. Di chỉ Gò Ốc ở thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình được xác định
là nơi có nền văn minh lâu đời trong lịch sử phát triển của dân tộc. Khi tìm được
những vật dụng của con người làm bằng đá như vòng đeo tay, rìu đá, lọ, ... (Kết
quả khai quật của đoàn khảo cổ giai đoạn 1991 – 1993 của Bộ Văn hóa).
![]() |
Gò Duối, Xuân Lộc ngày nay. Ảnh: Nguyễn Huệ |
Từ chân đèo Cù Mông đến Gò Duối, dân cư sinh sống đông đúc, các nghề tiểu
thủ công nghiệp cũng từ đấy phát triển, nhất là nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng.
Vùng đất Gò Duối tuy không gần sông nhưng địa chất là đất cát pha, việc trồng
dâu được cư dân nơi đây dày công chăm sóc nên phát triển khá tốt. Những mặt
hàng dệt tơ tằm nổi tiếng và được tiêu thụ khắp cả nước như lãnh, lương, xuyến.
Trải qua bao biến động của thời gian, đất và con người nơi đây vẫn giữ
trong mình nhịp thở của cha ông, tinh thần cần cù, chăm chỉ, vượt khó. Dòng chảy
văn hóa vẫn không ngừng tiếp nối để các thế hệ sau này mãi yêu mảnh đất quê
hương.
Xem thêm: du lịch Sông Cầu
Nhận xét&Bình luận